Cách chọn đồ ăn nhanh, đồ uống đóng chai an toàn cho sức khỏe

Theo chuyên gia dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đồ ăn nhanh, đồ uống đóng chai công nghiệp là những thực phẩm không lành mạnh nếu tiêu thụ nhiều do đó cần có cách lựa chọn phù hợp.

Thực phẩm chế biến sẵn tiềm ẩn nguy cơ gây hại

Thực phẩm chế biến sẵn hay đồ ăn nhanh, đồ uống đóng chai công nghiệp (trừ nước uống tinh khiết đóng chai) bị nhiều tai tiếng vì chúng đã trải qua một dạng chế biến nào đó và có thể được bổ sung những thành phần khác, như chất phụ gia, để kéo dài hạn dùng hoặc phục vụ những mục đích khác. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại hối hả ngày nay, thực phẩm chế biến sẵn hay đồ uống đóng chai đã trở thành một phần của đời sống.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Đức Ngàn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chúng ta có thể tạm coi đồ uống đóng chai là các loại nước uống chế biến công nghiệp, được đóng chai, lon, trừ nước lọc đóng chai. Tuy nhiên đối với thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống đóng chai là những thực phẩm nhiều dầu, mỡ, muối và đường nhưng ít chất xơ và các vi chất dinh dưỡng khác. Nếu tiêu thụ nhiều các thực phẩm này là nguyên nhân của sự gia tăng vấn đề sức khỏe như thừa cân, béo phì, rối loạn đường huyết, mỡ máu, tăng huyết áp và hàng loạt vấn đề mạn tính khác.

Mặt khác, các sản phẩm này cũng mang đến tác hại lớn cho môi trường. Tuy nhiên, chúng lại được tiêu thụ ngày càng phổ biến, nhất là giới trẻ, người bận rộn do sự tiện lợi, giá rẻ, phù hợp với khẩu vị của cộng đồng. Từ đây, việc lựa chọn các loại đồ ăn, thức uống đóng hộp, chai phù hợp cũng phần nào giúp chúng ta tận dụng lợi ích cũng như hạn chế nguy hại từ nhóm thực phẩm này.

 

 Nên có thói quen chuẩn bị mọi thứ từ nhà

TS Ngàn nhận định, trong các khoảng thời gian nghỉ ngơi tại nơi làm việc hay ở nhà, chúng ta có xu hướng ăn các loại đồ ăn vặt như khoai tây chiên, bim bim, bánh, kẹo, ô mai, nước hoa quả đóng chai, cà phê, trà sữa… Một số người có lịch trình bận rộn cũng thường lựa chọn ăn mỳ tôm để tiết kiệm thời gian. Do đó, việc hạn chế mua hoặc để những sản phẩm này tại nơi khó với tới cũng là một phương pháp để hạn chế việc sử dụng chúng.

Trong một số trường hợp quá bận rộn để ăn tại nhà hoặc bắt buộc phải có đồ ăn nhẹ, việc tự chuẩn bị các thực phẩm thay thế là một giải pháp tốt để hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, chế biến sẵn hay đồ uống đóng chai.

Vị chuyên gia ví dụ: “Khi ra ngoài, luôn có một chai nước lọc mang theo là sự chuẩn bị tốt. Nếu cần mua đồ uống, thay vì mua một chai nước ngọt đóng chai, việc mua một chai nước lọc sẽ là lựa chọn tốt hơn. Hay khi thèm ăn ngọt, trái cây sấy khô, chúng ta nên thay thế bằng trái cây tươi”.

Đọc nhãn nếu buộc phải sử dụng đồ đóng hộp, đóng chai

Theo TS Hoàng Thị Đức Ngàn, trong nhiều trường hợp, việc ăn thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn hay uống đồ uống đóng chai là khó tránh khỏi. Lúc này, việc lựa chọn, sử dụng những món ăn này hợp lý là lời khuyên quan trọng.

“Trước tiên, mọi người tìm đọc các nhãn thực phẩm trên bao bì hay vỏ gói của thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh hay đồ uống đóng chai. Các nhãn thực phẩm có thể được biểu thị khác nhau tùy thuộc quy định của từng quốc gia”, vị chuyên gia gợi ý.

Theo các khuyến cáo tại Australia, người tiêu dùng nên chọn các loại thực phẩm có chứa dưới 10 g chất béo trong 100 g thực phẩm. Trong số các loại chất béo, hàm lượng chất béo bão hòa (saturated fat) hoặc chất béo chuyển hóa (transfat – loại chất béo sinh ra trong quá trình chế biến thực phẩm, có hại cho sức khỏe người) nên ở mức thấp nhất có thể. Cụ thể, hàm lượng chất béo bão hòa nên dưới 3 g trong 100 g thực phẩm. Trong khi đó, chúng ta nên chọn những thực phẩm không có transfat.

Lựa chọn thực phẩm nhiều chất xơ, ít đường

TS Ngàn khuyên người dân nên lựa chọn các thực phẩm nhiều chất xơ (fiber) và ít đường bổ sung (sugar). Việc tránh hoàn toàn những thực phẩm có đường là điều không thể. Do đó, khi chọn thực phẩm chỉ nên cố gắng chọn những sản phẩm có ít đường.

Nên chọn các thực phẩm chứa ít muối hay natri (sodium). Một sản phẩm có ít hơn 400 mg natri trong 100 g thực phẩm là tốt. Con số này nhỏ hơn 120mg natri trong 100 g thực phẩm sẽ là lựa chọn tốt nhất.

Xem kỹ các thành phần và hàm lượng của thực phẩm

Không nhất thiết phải gạch bỏ tất cả thực phẩm chế biến sẵn ra khỏi danh sách mua hàng. Khi cân nhắc có nên đưa một thực phẩm chế biến sẵn nào đó vào bữa ăn hàng ngày hay không, hãy xem kỹ các thành phần được sử dụng và hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm.

Hãy sử dụng nhiều hơn những thực phẩm giàu protein, vitamin và muối khoáng, cũng như chất xơ. Giảm những thứ nhiều đường, muối và chất béo. Tuy có thể đưa thực phẩm chế biến sẵn vào bữa ăn, song điều quan trọng là cần điều độ về tần suất và khối lượng những thực phẩm này.

Hạn chế sử dụng các gói gia vị, sốt, chấm trong đồ ăn nhanh

Sau khi mua đồ ăn nhanh, chế biến sẵn hay đồ uống đóng chai, vị chuyên gia cũng gợi ý một số mẹo để lựa chọn, sử dụng những sản phẩm này hợp lý, từ đó hạn chế những tác động không có lợi cho sức khỏe:

Hạn chế sử dụng toàn bộ gói gia vị, sốt, chấm trong các thực phẩm chế biến sẵn để giảm lượng muối hay đường đưa vào cơ thể: Ví dụ, nếu ăn một gói mỳ ăn liền, hãy pha với ít nước và ít muối hơn định lượng, không sử dụng hết gói sốt, không ăn hết nước hoặc cho thêm rau vào bát mỳ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *