Thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc tế

      Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, nhằm thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc tế.
Theo chuyên gia tại Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, ở cấp độ quốc gia, hầu hết các nước trên thế giới đều có tiêu chuẩn hoặc quy định đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chế biến thực phẩm hữu cơ. Tại Việt Nam từ năm 2017 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tham gia, phối hợp cùng các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân liên quan xây dựng và công bố 8 TCVN về nông nghiệp hữu cơ.
Cụ thể bao gồm TCVN 11041-1:2017 về yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ; TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ; TCVN 12134:2017 về yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đối với một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc thù mang tính chủ lực của nền kinh tế, hiện đang có hoạt động sản xuất hữu cơ, Bộ KH&CN cũng đã công bố bổ sung thêm một số TCVN đặc biệt gồm TCVN 11041-5:2018 về gạo hữu cơ, TCVN 11041-6:2018 về chè hữu cơ, TCVN 11041-7:2018 về sữa hữu cơ, TCVN 11041-8:2018 về tôm hữu cơ.

Ảnh minh họa

      Nhóm TCVN này được đánh giá là phù hợp với thực tế tại Việt Nam và cơ bản đã hài hòa nội dung với các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực. Cụ thể, trong TCVN 11041-2 về trồng trọt hữu cơ, Việt Nam khuyến khích người nông dân sử dụng phân chuồng từ cơ sở chăn nuôi hữu cơ để bón cho cây trồng của chính cơ sở đó. Trong khi đó, TCVN 11041-3 về chăn nuôi hữu cơ yêu cầu cơ sở chăn nuôi phải tự cung cấp tối thiểu 50% lượng thức ăn chăn nuôi (tính theo chất khô), bao gồm cả thức ăn từ các đồng cỏ tự nhiên lân cận hoặc thức ăn được liên kết sản xuất với cơ sở sản xuất hữu cơ khác trong khu vực. Đây cũng là yêu cầu then chốt được nêu trong các tiêu chuẩn hữu cơ trên thế giới như tiêu chuẩn của Liên đoàn Quốc tế các Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ (IFOAM), Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)…
Cụ thể như, theo yêu cầu của IFOAM, các tiêu chuẩn hữu cơ cần hạn chế sử dụng vật tư đầu vào gây hại trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế nguy cơ ô nhiễm. Việt Nam đã kịp thời nắm bắt các yêu cầu này và quy định tại Điều 5.1.6 của TCVN 11041-1: “Trong sản xuất hữu cơ, phải hạn chế tối đa việc sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào là chất tổng hợp trong tất cả các giai đoạn sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển, phân phối; không được để người và môi trường xung quanh phơi nhiễm với các hóa chất độc hại; giảm thiểu ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, chế biến đến cơ sở và môi trường xung quanh. Phải có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp sự ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn hữu cơ của chuỗi cung ứng”.
Ngoài ra, trong sản xuất và chế biến thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu động cơ, mỡ bôi trơn thiết bị…) là một trong những mối nguy đối với an toàn thực phẩm nói chung và mối nguy đối với tính toàn vẹn của sản phẩm hữu cơ. Để giảm nguy cơ này, TCVN 11041-5 về gạo hữu cơ yêu cầu “Máy móc, thiết bị phải luôn được bảo trì để tránh ô nhiễm nhiên liệu và dầu”; “Nếu sử dụng máy sấy thì phải làm sạch máy trước khi sấy thóc. Phải sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường như vỏ trấu hoặc dùng điện”.
Như vậy có thể thấy, các TCVN công bố có sự hài hòa cao với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên trong thời gian tới, để tiếp tục thu hẹp khoảng cách tỷ lệ hài hòa giữa hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam với quốc tế, đẩy mạnh năng lượng xanh trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hóa trong xây dựng tiêu chuẩn, từ công đoạn lập quy hoạch, kế hoạch cho đến soạn thảo, công bố và phát hành.
Do vậy, vai trò của doanh nghiệp trong các khâu rất quan trọng, kể từ khi xây dựng cho đến thực thi các tiêu chuẩn. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, nhằm thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc tế; tận dụng cơ hội phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường tham gia vào hoạt động của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, phát triển quan hệ song phương với tổ chức tiêu chuẩn của các quốc gia trên thế giới.
Việc áp dụng các TCVN hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc tránh và vượt qua được các hàng rào kỹ thuật trong thương mại một cách bài bản, tạo cơ hội cho việc hợp tác và thúc đẩy năng lượng xanh trong sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Quality24 luôn sẵn sàng đồng hành cùng Công ty trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Vui lòng liên hệ đến hotline : 0912112626 chúng tôi rất hân hạnh được phục vụ quý khách hàng!.

Nguồn: Vietq.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *